Trẻ nhỏ việc tranh giành đồ chơi, đánh nhau không chịu nhường nhịn… là chuyện xảy ra như cơm bữa trong gia đình. Mỗi khi gặp tình huống đó cha mẹ nên giải quyết như thế nào? Hãy tham khảo một số hướng vừa giải quyết được xung đột vừa dạy con cách nhìn nhận vấn đề tích cực nhé!

xung-dot

1. Không thiên vị

Thường mọi người hay mắng những đứa trẻ là anh là chị và có xu hướng bênh vực đứa em. Điều này đôi khi không công bằng và gây ra những diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến suy nghĩ non nớt của trẻ.

Nếu cha mẹ cố tình bênh vực hay chỉ lắng nghe “một phe” thì nhất định đã mắc một sai lầm lớn. Đứa trẻ bị đối xử không công bằng kia sẽ vô cùng ấm ức và mất lòng tin vào chính cha mẹ mình. Nếu chuyện này liên tục xảy ra thì giữa những đứa trẻ trong nhà sẽ hình thành ác cảm, một trong hai trẻ sẽ tìm cách “chơi xấu” để đổ tội cho đứa kia. Và đứa trẻ được bênh vực vô tình đã quen thói dựa vào “uy thế” của cha mẹ làm nhiều trò hỗn xược với anh chị em. Ngược lại, đứa trẻ bị phân biệt sẽ cảm thấy “yếu thế” và cô độc trong nhà, chúng sẽ dần xa lánh cha mẹ và không tin vào ai nữa.

2. Hiểu tính nết từng đứa con của mình

Để giải quyết nhanh chóng mâu thuẫn khi lũ trẻ cãi nhau bạn nên hiểu rõ tính nết từng đứa con của mình. Nắm được đặc tính và thói quen từng đứa trẻ bạn sẽ phát hiện ngay nguyên do sự việc dẫn đến cãi cọ và mắng cả hai bên với những chứng cớ thuyết phục để chúng tự nhận thấy cha mẹ thật giống như quan toà bình đẳng chứ không dễ dàng “qua mặt”.

Hơn nữa nếu cha mẹ gần gũi con cái để tìm hiểu được cá tính, sở thích của từng đứa, cha mẹ sẽ dễ dung hòa được mối quan hệ giữa những đứa con của mình bằng cách hướng chúng vào những công việc, trò chơi, bài học cụ thể tránh gây mâu thuẫn khi tiếp xúc. Ví dụ như bạn nắm được đứa này tính đành hanh, đứa kia hay chành chọe thì không nên mua chung đồ chơi cho cả hai mà sẽ mua riêng theo sở thích. Cha mẹ cũng tách bạch rõ ràng phân công công việc hợp lý, tránh để chúng ganh tị, đồng thời dạy chúng tính nhường nhịn và chia sẻ…

3. Đừng lạm dụng đòn roi

Những lúc nóng tính nhiều bậc cha mẹ đã sử dụng biện pháp răn đe nghiêm khắc bằng đòn roi. Tuy nhiên đây không phải là thượng sách khi giải quyết chuyện cãi cọ giữa lũ trẻ. Cha mẹ sẽ khó lòng phân chia một cách công bằng roi vọt cho hai bên vì tội cãi nhau hay đánh nhau. Đứa trẻ mắc lỗi ít sẽ thấy mình bị oan mà hậm hực, còn đứa kia lại thấy mình làm sai vậy mà cũng chỉ bị “ăn đòn” như nhau. Chúng sẽ không “tâm phục” với bạn và sẽ sẵn sàng tìm cách phản ứng, vì trẻ rất coi trọng sự công bằng từ phía cha mẹ. Tốt nhất cha mẹ hãy dùng cách răn dạy, phân tích trước khi đưa ra các hình phạt và nếu buộc phải sử dụng hình phạt roi vọt thì hãy tìm đúng nguyên nhân và đối xử công bằng.

4. Không dọa dẫm trẻ

Những thói quen đại loại như đưa một ai đó ra dọa trẻ khi chúng xung đột sẽ không mấy tác đụng. Nhiều người thường hời hợt bỏ qua chuyện cãi cọ của trẻ với những câu bâng quơ như “Nếu còn đánh cãi nhau nữa sẽ về mách cha hay mẹ cho xem”. Hãy trực tiếp đứng ra giải quyết mâu thuẫn ngay tức khắc để bảo đảm tính công bằng, nghiêm khắc chứ đừng đưa ra những câu nói kiểu như vậy. Nếu một vài lần bạn nói mà không làm như thế bọn trẻ sẽ thấy cãi nhau thì có sao đâu và cha mẹ cũng có trách mắng đâu hay rồi cũng bỏ qua thôi mà. Chúng sẽ trở nên “nhờn” và không nghe lời, vì thế mà chuyện cãi cọ sẽ thường xuyên hơn.

5. Hãy làm gương cho trẻ

Nhìn vào ông bà, cha mẹ là trẻ tự biết tình cảm anh em, gia đình thì phải đối xử với nhau như thế nào. Nếu chúng thấy cha mẹ biết nhường nhịn nhau, biết kính trọng ông bà và đối xử, xưng hô theo đúng phép tắc thì trẻ sẽ tự nhiên thấy mình cũng phải như vậy. Trong tất cả các bài học thì bài học lấy chính người thân trong gia đình làm gương hiệu quả nhất. Bởi đó là những người trẻ luôn gần gũi, kính yêu và học tập.

Hướng giải quyết xung đột giữa các con

Theo KH&ĐS – Ngoài ra các bạn cũng xem qua sản phẩm của chúng tôi tốt cho bé: hạt muồng muồng, đồ chơi ngoài trời cho bé , cá nhựa