Hàng năm, mỗi dịp gần đến Trung thu, báo chí nước nhà lại rộ lên những tin tức về những đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc và những lo ngại về những ảnh hưởng độc hại của những đồ chơi này gây cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên những bài viết này mới chỉ dừng ở mức độ cảnh báo chung chung, khuyến cáo khi dùng đồ chơi an toàn mà chưa có những chỉ dẫn toàn diện, cụ thể cho người tiêu dùng về cách nhận biết những sản phẩm đồ chơi an toàn dành cho trẻ nhỏ. Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn chi tiết về những yếu tố có liên quan đến đồ chơi an toàn, hằng mong các phụ huynh có được sự lựa chọn tốt cho con mình.

do-choi-an-toan-khong-co-canh-sac
Đồ chơi an toàn cần tránh những nguy cơ gì ?

Thông thường chúng ta mới chỉ đề cập đến yếu tố an toàn về mặt vật liệu của đồ chơi, như đồ chơi không được chứa chì hoặc cadimi. Thực tế, những mối nguy hại có thể xảy ra đến với trẻ là:
1. Tổn thương đường tiêu hóa do nuốt phải thành phần từ tính (nam châm)

Nghiên cứu trong vòng 2 năm của tổ chức y tế Southern California Permanente Medical Group trên các bệnh nhân nuốt phải nam châm ở độ tuổi 15 tháng – 18 tuổi cho thấy, một tỷ lệ lớn đã gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như hoại tử ruột, thủng ruột, hình thành các lỗ rò và tắc ruột. Triệu chứng gặp phải: đau bụng, buồn nôn, nôn mửa. Các bệnh nhân nhí này đều phải trải qua phẫu thuật nội soi để gắp dị vật ra khỏi ổ bụng với thời gian điều trị tại bệnh viện từ 3 – 9 ngày. Ở những thống kê khác, việc nuốt phải các thành phần từ tính thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Các phụ huynh cần chú ý đến điểm này để phòng tránh, và trong trường hợp không may cần cung cấp đầy đủ thông tin đến bác sỹ.
2. Hóc hoặc ngạt đường thở do các mảnh nhỏ.

Nuốt những dị vật là nguy cơ lớn nhất và thường gặp nhất đối với trẻ từ độ tuổi 6 tháng đến 5 tuổi, thậm chí những trẻ dưới 6 tháng cũng có thể gặp nguy cơ này do anh, chị của bé cho bé trong lúc chơi. Nhiều trẻ hình thành thói quen ngậm các vật như đồ chơi nhỏ, và nguy cơ hoàn toàn có thể xảy ra nếu vật có kích thước nhỏ hơn họng của trẻ. Thông thường các nhà sản xuất đồ chơi sẽ có dấu hiệu quy định đồ chơi hạn chế cho trẻ dưới 3 tuổi, nhưng để tránh các nguy hiểm cho trẻ, phụ huynh vẫn cần cảnh giác khi lựa chọn các đồ chơi có các chi tiết nhỏ, dễ rời hoặc dễ vỡ.
3. Những vết cắt do các cạnh sắc của đồ chơi

Phụ huynh có thể phát hiện những đồ chơi không an toàn bằng cách quan sát cẩn thận các đường nét của đồ chơi. Có thể dễ dàng nhận ra những đồ chơi kém chất lượng, có các cạnh cắt gọt cẩu thả, thừa mảnh nhỏ, hoặc các điểm ghép nối giữa các mảng nhựa có mép nhựa thừa. Các đồ chơi bằng nhựa cứng dòn dễ vỡ cũng cần tránh vì khi trẻ chơi và tác động lực mạnh có thể vỡ ra và gây thương tích nghiêm trọng. Với đồ chơi bằng gỗ cũng cần kiểm tra các mặt để tránh các dằm gỗ. Những đồ chơi an toàn và có chất lượng thường được cắt và bo tròn mềm mại ở các góc.
4. Tai nạn liên quan đến đồ chơi di chuyển (scooter, ô tô điện, v.v.)

Theo số liệu thống kê của Ủy ban về An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ năm 2000, trong số 17 trường hợp tử vong liên quan đến đồ chơi thì có đến 8 trường hợp liên quan đến đồ chơi di chuyển, trong đó 3 trường hợp là do scooter, nguyên nhân do trẻ bị ngã, chấn thương sọ não, chết đuối. Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy đảm bảo rằng hãy tìm hiểu kỹ những khuyến cáo của nhà sản xuất liên quan đến nhóm đồ chơi này, và đảm bảo là bé đã có đủ năng lực để điều khiển những đồ chơi có tốc độ như vậy. Khi bé chơi hãy đảm bảo có những trang thiết bị an toàn cần thiết cũng như đảm bảo môi trường xung quanh bé không có những yếu tố có thể gây nguy hiểm, như hồ nước, trơn trượt do cát, phế liệu, v.v. Hãy luôn để mắt đến bé và cả những bạn chơi xung quanh.
5. Nhiễm độc từ vật liệu độc hại

Đây là nhóm sát thủ vô hình mà nhiều bậc phụ huynh thường bỏ qua vì không nhìn thấy được tác hại ngay trước mắt. Các thành phần có thể sử dụng trong nguyên vật liệu sản xuất đồ chơi, đồ dùng gây nguy hại cho bé bao gồm BPA, chì, cadimi, phthalate, vật liệu dễ gây cháy nổ. Hãy đảm bảo rằng đồ chơi bạn mua cho bé thuộc các thương hiệu uy tín, tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng ngặt nghèo của các nước tiên tiến, hoặc tối thiểu là của Việt Nam :). Hãy tránh xa những đồ chơi không có nhãn mác hoặc bạn không thể tìm thấy thông tin gì về nhà sản xuất và các tiêu chuẩn được áp dụng. Ngay cả với những đồ chơi gỗ mà bạn nghĩ là đồ chơi an toàn do sản xuất từ gỗ tự nhiên, thì cũng hãy cảnh giác với nước sơn mà nhà sản xuất sử dụng vì cũng có những loại sơn gây độc hại. Những loại sơn an toàn với sức khỏe sẽ có chi phí cao hơn vì vậy có thể không phải là sự lựa chọn hàng đầu của nhà sản xuất.
6. Chấn thương do những đồ chơi bạo lực

Có lẽ đây là những nguy cơ dễ thấy nhất, nhưng cũng không ít người đã quên. Chúng ta vẫn có thể tìm thấy một lượng lớn những đồ chơi bạo lực như dao, kiếm, súng bắn đạn cứng, súng cao su, v.v. ở trên thị trường, và không ít phụ huynh vẫn mua cho con để tránh khỏi sự mè nheo của chúng. Khi trẻ không kiểm soát được cách chơi của mình, chúng sẽ gây thương tích cho bạn bè. Nếu bạn muốn cho con tham gia những hoạt động mạnh mẽ hơn thì có thể cho trẻ chơi súng phun nước, nhưng cần quy định chặt chẽ về môi trường mà trẻ có thể chơi cùng với bạn. Sẽ là không hay nếu trẻ mang ra nơi công cộng và phun nước vào mọi người xung quanh.

Mời các bạn xem thêm một số sản phẩm tốt cho bé của công ty chúng tôi:

lưới chắn cầu thang cho bé
cầu trượt cho bé
bóng nhựa

Tôi sẽ có bài viết chi tiết hơn về mục 5 và các tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng cho ngành đồ chơi để những bạn quan tâm có thể tìm hiểu chi tiết hơn nữa. Hy vọng là ở phạm vi hiện tại những thông tin trên cũng đủ để bạn có thể lựa chọn những đồ chơi an toàn phù hợp cho bé yêu của mình. Nếu bạn nghĩ bài viết này cũng sẽ có ích cho bạn bè mình, những người cũng đang làm cha, làm mẹ, hãy giúp tôi chia sẻ bài viết. Nếu bạn có điều gì chưa rõ, hãy đặt câu hỏi, tôi sẽ cố gắng giải đáp.