Bé từ 6 tháng tuổi đến 3 tuổi thường hay có các đợt bệnh cảm cúm, sốt. Hiểu được vì sao bé hay có những bệnh vặt, cha mẹ sẽ có cách xử trí đúng và yên tâm hơn.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi – Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng – ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, đây là giai đoạn cửa sổ miễn dịch.
Thực hư cốm giúp trẻ không quấy khóc?
Trẻ em mấy tuổi mới nên dùng smartphone

Trong giai đoạn bé từ 6 tháng đến 3 tuổi, cơ thể bé chưa đủ miễn dịch để chống các tác nhân bên ngoài. Do vậy bé hay bị bệnh.

Vì sao trẻ em dưới 3 tuổi thường bị bệnh

Thực sự, trong thời gian mang bầu, mẹ đã cho bé một số kháng thể để bảo vệ bé. Tuy nhiên, các kháng thể này đã không còn khi bé được khoảng 6 tháng. Cùng lúc này, bé chưa tự tạo ra được các kháng thể đủ chống lại vi trùng bên ngoài.

Các bậc phụ huynh đừng quá lo ngại vì con bệnh vặt trong độ tuổi này. Việc con bị bệnh như là cách con tập quen với việc chống lại các tác nhân ngoài môi trường, tập quen với việc tạo ra kháng thể, loại trừ các loại vi khuẩn nào?

Bé thường bị bệnh 4 – 5 lần/năm, những đợt bệnh không gây nguy hiểm cho sức khỏe của bé thì không có gì đáng lo ngại.

Chỉ trong trường hợp bé bị bệnh nặng, bị viêm nhiễm kéo dài, nhiễm trùng nặng gây sốt nặng hoặc có nguy cơ lan vào trong máu thành nhiễm trùng huyết, viêm hô hấp dưới thì chúng ta phải có biện pháp y học can thiệp kịp thời.

Còn những đợt bệnh nhẹ, bé sốt nhẹ, nước mũi trong, ho đàm nhớt ít, bé vẫn chơi, ăn uống bình thường thì không cần phải lo lắng quá, chỉ cần dùng các thuốc chống triệu chứng. Phụ huynh cần theo dõi bé. Khi có tình trạng nhiễm trùng mới phải can thiệp bằng thuốc kháng sinh.

Cách giúp bé vượt qua các đợt cảm, ho:

Thường xuyên rửa mũi cho bé sạch sẽ: khi bé khỏe thì giúp mũi bé sạch, giảm lượng vi khuẩn để ít phát tác thành bệnh, khi bé bệnh giúp bé giảm lượng vi khuẩn tại chỗ, bớt đàm ngay. Quan trọng nhất là ngay từ giai đoạn đầu bé bị chảy mũi, ho, phụ huynh cần rửa mũi ngay cho con.

Cách rửa mũi: dùng nước muối sinh lý nhỏ nhiều vào mũi (chứ không phải nhỏ 1 – 2 giọt). Khi đó đàm bị hòa loãng đi, bé có thể nhổ ra hoặc theo đường tiêu hóa ra ngoài hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Thông thường khi bé sổ mũi, ho khoảng 5 ngày và đã rửa mũi bé không bớt nên đưa bé đi khám bệnh. Nếu thấy bé bị chảy nước mũi có màu xanh, đàm màu xanh nghĩa là bé đã có nguy cơ nhiễm trùng, cần đưa bé đi khám chuyên khoa nhi.

Góc mẹ và bé

Phương Nguyệt