Dù đang ở độ tuổi rất hiếu động, bé vẫn có thể gặp khó khăn khi tiếp xúc với những người lạ, nhất là khi đặt chân vào một môi trường mới như trường mẫu giáo hay khu vui chơi. Lúc này, “người bạn lớn” là mẹ sẽ cần quan tâm để giúp bé bước ra khỏi vỏ ốc ngại ngùng và tìm cho mình những người bạn mới

Khuyến khích một cách nhẹ nhàng

Điều quan trọng là bạn phải giúp bé từ từ hình thành một sự tương tác xã hội tích cực. Bé cần có cảm giác hào hứng với ý nghĩ sẽ có được thêm nhiều điều mới mẻ khi có thêm bạn bè hơn là bị ép buộc làm điều bé thấy khó chịu.

Bạn nên khuyến khích bé giao lưu kết bạn

Có thể tính cách của bé hay mắc cỡ hoặc quá thận trọng, điều đó cũng không phải xấu. Thay vì cố gắng thay đổi tính cách của bé, bạn nên giúp bé từ từ khám phá những điều thú vị khi kết bạn mới. Từ từ, bé trở nên dạn dĩ và hòa đồng hơn.

Nếu bé tỏ ra quý mến một bạn cùng lớp nào đó, bạn có thể gọi điện thoại cho bố mẹ của người bạn đó và sắp xếp cho hai bé chơi cùng nhau. Đó là một cách khởi đầu tốt để giao lưu kết bạn.

Mời vài bạn cùng chơi với bé

Những lần đầu, bạn chỉ nên mời một hoặc hai người bạn thân của bé. Những bé này có thể cùng trang lứa với bé hoặc có thể lớn hơn bé một chút. Ưu điểm của những bé lớn là thường chủ động bắt chuyện nhiều hơn.

Thời gian vui chơi vừa đủ

Từ một đến hai giờ là đủ thời gian cho bé vui chơi ở độ tuổi này. Bạn không cần phải ép bé chơi quá lâu.

Chuẩn bị trước

Bạn nên tổ chức những hoạt động mà bé thích và quen thuộc. Như thế, bé sẽ cảm thấy dễ chịu và thoải mái. Tạo sự thích thú cho các bé bằng cách chuẩn bị thật nhiều đồ chơi, các bé sẽ có nhiều thứ để chơi và không phải giành nhau.

Quan sát các bé khi chơi

Khi bạn ở đó để hướng dẫn dù chỉ một chút thôi, các bé sẽ cảm thấy dễ chịu, nhất là khi xung quanh bé là những người bạn mới. Chuẩn bị sẵn sàng để giúp đỡ các bé nếu có xung đột hoặc các bé lơ đãng khi đang chơi cùng nhau hoặc các bé cần một hoạt động vui chơi mới. Bạn có thể quan sát các bé vẽ tranh, chơi trốn tìm hay tạt nước ngoài vườn. Tuy nhiên, bạn không nên tìm cách quản lý và bắt buộc bé phải làm theo ý mình.

Lên kế hoạch và làm theo

Tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa các gia đình để các bé có thể chơi cùng nhau mỗi tuần. Bạn có thể lên kế hoạch chơi ở công viên hay tại nhà của một bé nào đó. Khi thấy con chơi đùa vui vẻ với các bạn khác mà không cần nhiều sự can thiệp của bố mẹ, bạn có thể thử cho con sang nhà bạn chơi một mình, ban đầu có thể trong thời gian ngắn và từ từ kéo dài hơn.

Chơi cùng bé

Thường xuyên dành thời gian để chơi cùng bé, chỉ có bạn và bé thôi. Bằng cách này, bạn sẽ giúp bé làm quen với cách tiếp xúc với người đối diện, trong khi đó bạn có thể hiểu được cách vui chơi của bé. Bạn sẽ thấy được khi nào bé gặp trở ngại và khi nào bé thấy thoải mái.

Chơi với thú cưng

Thú cưng cũng như một người bạn cạnh bé, thường thì không có gì nguy hại cho bé cả. Đây có thể là một cách tốt để bé cảm thấy yên tâm và cởi mở hơn.

Tìm hiểu cách những đứa trẻ khác giao lưu kết bạn

Xem phim hoặc đọc sách về những người bạn với bé cũng là một cách để tạo hứng thú cho bé.

Mời bạn bè của bạn về nhà

Bé thường chú ý đến những việc người lớn làm và bắt chước theo, do đó, bạn có thể làm mẫu cho bé bằng cách mời bạn bè của bạn về nhà, nếu có trẻ em đi cùng càng tốt. Khi ấy, cả hai đều có bạn chơi cùng nhau. 

Giúp đỡ khi bé cần

Trong hầu hết các trường hợp, việc trẻ nhỏ nhút nhát khi kết bạn là bình thường. Tuy nhiên, nếu con hiếm khi nhìn trực tiếp vào mặt người đối diện, thường hay thu mình lại một cách bất thường, giận dữ hoặc khóc bất cứ khi nào có những đứa trẻ khác xung quanh, có vẻ sợ hãi khi đi học hoặc đến sân chơi, bạn nên trao đổi với bác sĩ nhi khoa.

Trẻ luôn có thể tìm được những người bạn “hợp rơ” với mình và trở thành bạn bè thân thiết. Vui đùa với bạn bè cùng lứa giúp bé học cách tiếp xúc ngoài xã hội nhiều hơn như chia sẻ và chờ đợi đến lượt của mình. Điều này cũng giúp bé có một tâm hồn phong phú, cảm giác vui vẻ thường trực.

Mời các bạn xem thêm sản phẩm : đồ chơi ngoài trời cho bé, thanh chắn cầu thang với giá tốt, ưu đãi