Chiến thắng nỗi sợ bóng đêm

Các bé trong độ tuổi đi học đã bắt đầu bé có thể nhận thức được sự khác nhau giữa tưởng tượng và thực tế, nhưng trí tưởng tượng lại mang đến sự mạnh mẽ đến mức ám ảnh bé. Đừng ngạc nhiên khi bé nhà bạn bỗng dưng trở nên nhát cáy

Những nỗi sợ của bé

Nỗi sợ về đêm có thể có nhiều lý do bao gồm sợ bóng tối, sợ chia cắt với bố mẹ, sợ tiếng ồn và sợ kẻ xấu làm tổn hại cơ thể. Đây là một giai đoạn phát triển bình thường có thể diễn ra từ thời mẫu giáo cho tới khi bé được ít nhất là 8 hoặc 9 tuổi. Bé có thể lo sợ chỉ vì lỡ thấy một cảnh tượng bạo lực trên phim ảnh hoặc nghe tin về bắt cóc trẻ em ở tận nước Mỹ xa xôi.

Cho con một đêm ngon giấc

Bạn sẽ khó có thể thổi bay nỗi sợ hãi trong bé vì đây là một giai đoạn của quá trình phát triển. Tuy nhiên, bạn có thể giúp bé đương đầu với nỗi sợ và có được giấc ngủ ngon hơn.

Vài giờ trước khi ngủ, nên hướng bé đến tâm trạng vui vẻ, cho bé nghe và xem những câu chuyện không có tính bạo lực. Ngay cả Harry Potter và Scooby-Doo cũng có thể trở nên đáng sợ khi đi vào trí tưởng tượng của bé.

Vào giờ ngủ, bố mẹ nên duy trì những thói quen giúp bé thư giãn như massage, đọc sách cho bé, cho bé nghe một bài thơ ngắn hoặc 15 phút tự đọc truyện. Đó cũng có thể là một bài hát hoặc một vài phút im lặng nằm trên giường và được mẹ ôm vào lòng. Một hoặc hai nguồn ánh sáng ban đêm cũng có thể giúp bé cảm thấy an toàn hơn.

Món đồ chơi hoặc tấm mền yêu thích của bé cũng có thể có tác dụng. Nếu bé có anh chị hoặc thậm chí là thú cưng, xếp cho bé ngủ gần có thể khiến những nỗi sợ về đêm biến mất nhanh như chưa từng xuất hiện.

Nếu bé sợ ở một mình và chỉ cảm thấy thoải mái khi có bạn bên cạnh, nên tìm cách nói chuyện với con và đưa ra giải pháp thay thế, bằng cách nói chuyện với bé qua màn hình hoặc bộ đàm nếu bạn không có ở nhà.

Một số bé có phản hồi tốt với việc hít sâu thở đều để thư giãn và đây là một cơ hội tốt để dạy bé kỹ năng cần thiết này. Bắt đầu bằng việc nói bé nhắm mắt lại, hít sâu bằng mũi và thở ra bằng miệng. Sau đó, gợi ý cho bé tưởng tượng ra một nơi đẹp và bình yên nhất mà bé đã từng thấy.

Trong khi đang đùa giỡn cùng bé, bạn nên cố gắng tìm hiểu xem những gì còn lưu lại trong trí nhớ của bé. Những câu hỏi mở như: “Ngày hôm nay của con như thế nào hả con yêu?” sẽ không thu được kết quả gì. Hãy thử hỏi bé những câu như: “Đâu là thời điểm tốt nhất, tệ nhất, kì quặc nhất trong ngày của con?”

Thậm chí bạn có thể giúp bé ghi lại câu chuyện của mình. Điều này có vẻ đơn giản nhưng viết  hết ra giấy những suy nghĩ trong đầu bé có thể giúp bé giảm bớt áp lực.

Khi bé sợ hãi một cách bất thường

Nếu bạn đã làm mọi thứ có thể để trấn an bé nhưng bé vẫn cực kỳ sợ hãi, nỗi sợ của bé có thể không đơn thuần chỉ là vấn đề phát triển thể chất bình thường mà trở thành một chứng rối loạn lo âu.

Dấu hiệu khi trẻ bị chứng ám ảnh sợ, một dạng của rối loạn lo âu là khóc liên tục trong vài phút và thể hiện sự sợ hãi hơn mức bình thường. Chẳng hạn như, thay vì bé nói: “Con sợ bóng tối”, bé tỏ ra sợ hãi: “Mẹ bật hết đèn trong nhà lên đi. Không thì ăn trộm vào giết hết cả nhà mất”.

Nỗi sợ hãi ban đêm kéo dài thường xuất phát từ một chấn động tâm lý trong gia đình, trường học hay ngoài xã hội. Học sinh tiểu học sẽ nhận thức được và bị tổn thương vì bố mẹ ly hôn, gia đình có người thân qua đời, bố hoặc mẹ bị thất nghiệp, chuyển đến nơi ở mới, thay đổi giáo viên hoặc người chăm sóc,  chứng kiến hành động bạo lực hoặc thảm họa thiên nhiên. Hiếm gặp hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn, những nỗi sợ hãi ban đêm cũng có thể xảy ra sau khi bé bị lạm dụng thể chất hoặc tình cảm.

Nếu bé làm bất kỳ điều gì để trốn tránh nỗi sợ hãi như không chịu ở lại giường, không chịu ngủ, bạn nên đưa con đến bác sĩ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tìm kiếm sự trợ giúp cho cả bé lẫn bản thân mình.

Bài viết liên quan: Khi bé nhút nhát thì cha mẹ phải làm gì ?

Chuyên mục: Góc mẹ và bé