Ai cũng chia sẻ rằng khi bé bước vào tuổi lên ba sẽ là sẽ bước vào giai đoạn: lì, bướng và khó bảo. Vì vậy các bậc làm cha mẹ nên chuẩn bị tinh thần trước để đối mặt vì đây là giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên ba” của trẻ. Trong đó, thói ăn vạ là điều dễ khiến nhiều phụ huynh “đau đầu”!

Thế nhưng khi con chưa bước vào tuổi lên ba, mẹ Nam đã thấy đuối vì con lì và khó bảo. Đặc biệt là cái tật hay ăn vạ thì làm cho cả ba, mẹ và ông bà nội vô cùng mệt mỏi. Không biết các mẹ có thường xuyên bị cái cảnh giống mẹ Nam không?

Đòi đồ chơi, không được: ăn vạ
Đòi quà bánh, không được: ăn vạ
Đòi theo bố mẹ, không được: ăn vạ
Không chịu đi học, bắt đi: ăn vạ
Không đi tắm, bắt đi: cũng ăn vạ

Nói chung lại là rất nhiều lí do nhỏ nhặt cũng có thể là cớ để cu cậu khóc cả tiếng đồng hồ khi đòi hỏi không được cấp nhận. Thậm chí nhiều khi còn tự hành hạ bản thân bằng cách: đập tay, tập chân, thậm chí đập cả đầu xuống nền nhà, không thì cố ý khóc, ho rồi ọe ra cho bằng hết cơm cháo…

Bởi vậy, nhiều khi cha mẹ xót con hoặc không muốn công toi công xúc cơm cho con nên đành chiều cho xong. Hay lúc đang bận việc gì đó thì cũng nhượng bộ con cho được việc. Nhưng những lúc đang bực bội trong người mà con cứ thế thì phát cáu lên và thế là cu cậu thế nào cũng bị cho ăn roi. Nhưng như cho con ăn roi có nghĩa là mình đang bất lực trước con cái. Và đôi khi còn bị ông bà mắng cho vì xót cháu khi mình hơi quá tay.

Đôi khi tính lơ đi để cho con biết mình không nhượng bộ thì cũng gặp vấn đề là ông bà sẽ chạy ra dỗ cháu, chiều cháu vì cho rằng nó khóc nhiều sẽ ốm ra. Thế là chứng nào tật nấy.

Sau khi tham khảo ý kiến của các mẹ có con cùng cảnh ngộ như thế, mẹ Nam đã rút ra được vào kinh nghiệm và bắt đầu lên chiến thuật với Bo:

Làm lơ: Lúc này mà dỗ thì chắc chắn không hiệu quả nếu bé chưa thỏa mãn được nhu cầu. Và nếu đánh mắng con thì chỉ làm cho cu cậu cảm thấy ức chế và sẽ lặp lại như cũ, đôi khi tần suất còn nhiều và mạnh hơn. Tốt nhất là các mẹ nên lơ đi. Nhưng làm được điều này thì đòi hỏi các mẹ cũng phải có thần kinh thép. Nhất là khi thấy con mình tự hành hạ bản thân.

Không nhượng bộ khi con ăn vạ: Dù bận hoặc nhà đang có khách, cũng không nhượng bộ con. Đừng sợ mất mặt với khách và chiều con. Vì với trẻ thì được lúc này sẽ được lúc khác. Như vậy càng khó dạy hơn.

Không để người khác xen vào: Nếu để cho ông bà hay bố nó lên tiếng bênh vực thì kể như hỏng. Cần phải thống nhất quan điểm là khi con ăn vạ mà mẹ xử lý thì ông bà cũng nên lơ đi.

Không nên bỏ qua: Việc lơ đi hành động của con lúc đó không có nghĩa là mình bỏ qua hành động của con. Sau khi mọi việc đã trở lại bình thường, các mẹ cần phải ôm bé và nói cho bé hiểu là vì sao mình không cho bé làm như thế, và làm như thế thì không được để bé hiểu vấn đề.

Sau khi áp dụng thử, cu cậu nhà mình ngày đầu khóc cả tiếng, mình cũng kệ, cho khóc đến khàn cổ luôn nhưng mình cũng nhất định không để ông bà và bố nó xen vào. Ngày thứ hai khóc ăn vạ tiếp, nhưng chỉ khóc khoảng 45 phút. Ngày thứ ba chỉ khoảng nửa tiếng, nhưng mình cũng vẫn áp dụng chính sách “mackeno”. Dần dần cu cậu đỡ hẳn, chắc thấy khóc mệt quá mà chẳng được tích sự gì.

Các mẹ nếu có con hay ăn vạ thì thử áp dụng chiêu này của mẹ Nam xem sao nhé! Nhưng khi áp dụng chiêu này thì các mẹ cần phải chuẩn bị cho mình thần kinh thép nhé!