Đồ chơi dường như nó có sự hấp dẫn hoàn toàn tự nhiên đối với trẻ em. Bạn có thể thấy ánh mắt của trẻ sáng lên khi đi qua cửa hàng đồ chơi. Và nếu bạn để bé đứng lại dù chỉ tầm 1 phút thôi thì bạn sẽ mất nhiều thời gian để đưa bé rời khỏi đó đấy. Sự cuốn hút đối với thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhiều so với khi các bà mẹ đứng trước một bộ váy áo hằng mong ước hay các ông bố trước một mẫu xe hơi mới. Sở dĩ có điều này là vì đồ chơi sẽ làm thoả mãn được nhu cầu phát huy trí tưởng tượng của bé, nhu cầu được khám phá, giả bộ đóng vai và chia sẻ. Quan trọng hơn, đồ chơi không chỉ là để chơi, chúng là những công cụ giá trị giúp bé thông minh hơn, và chúng chuẩn bị cho bé những kỹ năng cần thiết để trở thành một người trưởng thành.
Đồ chơi tốt nhất cho trẻ chính là những đồ chơi mà bé tự chọn cho mình, và đồ chơi đó có thể rất đơn giản, ví dụ như một bộ các thẻ sưu tập cầu thủ hay chú gấu Teddy. Khi bé yêu thích một đồ chơi nào đó, đồ chơi đó sẽ đem lại những trải nghiệm học hỏi tốt nhất. Trẻ em học hỏi một cách tự nhiên và bất kỳ thứ gì bé thấy yêu thích cũng có thể dạy cho bé một điều gì đó. Càng có nhiều loại đồ chơi khác nhau, bé sẽ càng cảm thấy thỏa mãn hơn, và những trải nghiệm học hỏi sẽ càng trở nên đa dạng hơn. Không phải lúc nào bé cũng có điều kiện tiếp cận những đồ chơi bé thích, nên bạn cần biết cách chọn đồ chơi giúp bé.
- Những đồ chơi khuyến khích chơi theo kiểu đóng kịch, như các hình khối, các mô hình phương tiện giao thông, đồ chơi hình thú, con rối và các đồ chơi khác cho phép mô phỏng thế giới thực, từ đó giúp bé xây dựng những ý tưởng của mình về thế giới xung quanh.
- Những đồ chơi khuyến khích chơi theo cách thao tác, như là các đồ chơi xây dựng, trò chơi thử sự khéo léo, và các đồ chơi lắp ghép các mảnh khác nhau, giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động với các cơ nhỏ và phối hợp tay – mắt.
- Các đồ chơi sáng tạo, nghệ thuật như là giấy trắng, mực vẽ, kéo, hồ dán và đất sét, khuyến khích sự tự thể hiện và sự sử dụng các biểu tượng. Đây chính là những kỹ năng sống còn đối với khả năng giải quyết vấn đề và kỹ năng đọc viết của trẻ.
- Những đồ chơi khuyến khích hoạt động thể chất như xe đạp, dây nhẩy, các loại bóng giúp trẻ tiêu thụ năng lượng (tránh béo phì), tăng cường sức khỏe và rèn luyện phối hợp vận động.
- Các trò chơi chiến lược như các trò chơi dùng thẻ, đô mi nô, các loại cờ, dạy trẻ về việc tuân thủ theo lượt đi, tuân thủ luật chơi và kỹ năng hợp tác với đồng đội hoặc đối thủ.
- TRÁNH nhóm đồ chơi mang tính bạo lực hoặc các sản phẩm giải trí đa phương tiện được thiết kế cho đối tượng lớn tuổi hơn.
Hãy đảm bảo đồ chơi là an tòan. Điều này đặc biệt đúng đối với trẻ nhỏ. Ví dụ, hãy đảm bảo rằng cái xúc xắc của trẻ không có các lỗ nhỏ có thể làm ngón tay của trẻ mắc kẹt. Trẻ thích đút đồ chơi vào miệng, vì vậy tránh những đồ chơi nhỏ mà trẻ có thể nuốt và bị hóc. Với trẻ lớn hơn, hãy kiểm tra để đảm bảo đồ chơi được thiết kế phù hợp với trọng lượng của trẻ và không có các lỗi chức năng về mặt cơ học.
Hãy sắp xếp đồ chơi theo một cách nào đó có thể khuyến khích trẻ chơi với chúng – ví dụ sắp xếp chúng theo những câu truyện nhỏ hoặc các cách sắp xếp sáng tạo khác. Đừng đổ tất cả đồ chơi vào trong một thùng đồ chơi, khiến trẻ thậm chí còn chẳng nhớ trong đó có gì. Xếp 2 con khủng long truy đuổi nhau chắc chắn hấp dẫn với trẻ hơn là cho cả 2 con vào giỏ.
(Nguồn: RaiseSmartKid.com)