Khi bé buộc phải làm quen với trường mẫu giáo hoặc những không gian mới như nơi cộng công có nhiều người , nhiều bé tỏ ra rất rụt rè và khó khăn để hòa nhập. Liệu sự nhút nhát này sẽ trở thành một tính cách khó sửa đổi của trẻ? Đây chính là điều mà các bậc cha mẹ lo lắng

Ảnh hưởng lâu dài

Theo các học thuyết mới, hành vi của một đứa trẻ chịu ảnh hưởng của hai yếu tố di truyền và môi trường. Những tính cách từ thời mẫu giáo có thể để lại sự thận trọng và chậm hòa nhập trước những môi trường xa lạ.

Cải thiện tính nhút nhát

Thay vì ra sức thay đổi bé, bạn nên nhẹ nhàng chuẩn bị cho bé phản ứng với những tình huống mà bé cảm thấy khó khăn.

Nếu các bé không thể chịu đựng được những nơi ồn ào, đông đúc chẳng hạn như một bữa tiệc sinh nhật, bạn nên cố gắng giúp bé làm quen bằng cách tổ chức một bữa tiệc giả ở nhà.

Một cách tiếp cận khác là: yêu cầu con nói rõ những điều khiến con sợ về sự kiện sắp diễn ra. Sau đó, cùng con suy nghĩ và tìm ra giải pháp khắc phục. Để thúc đẩy hơn nữa sự tự tin ở bé, bạn có thể đặt mình vào vị trí của bé trong từng ngữ cảnh.

Có thể bạn quan tâm: Để cho bé chiến thắng nỗi sợ bóng đêm

Chuẩn bị cho bé nhút nhát đi học

-Dẫn con đi tham quan lớp học: Bé sẽ thoải mái hơn nếu có chút thời gian tham quan lớp học của mình và gặp gỡ các giáo viên trước ngày đầu tiên đi học. Bạn cũng nên chỉ cho bé nhà vệ sinh, sân chơi và văn phòng hiệu trưởng, như thế sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái hơn trong môi trường mới.

-Thực hành nói chuyện với những đứa trẻ khác và người lớn: Bạn có thể tạo ra một trò chơi như thế này: yêu cầu bé làm hướng dẫn viên khi người bạn thân nhất của bé tới thăm nhà hoặc khuyến khích bé gọi món riêng cho mình khi đi ăn nhà hàng. Như thế bé sẽ không chỉ trở nên thoải mái hơn với những người khác mà bé cũng bắt đầu hiểu được việc bắt đầu và kết thúc một cuộc trò chuyện.

-Tranh thủ sự giúp sức từ anh chị em của bé: Nếu bé nhút nhát của bạn có anh chị em học cùng một trường, bạn nên đề nghị bé lớn trông chừng bé nhỏ. Một cái vẫy tay hoặc cái nhìn, dù chỉ thoáng qua của người quen cũng có thể tạo cho bé sự an ủi khi bé cảm thấy sợ vì chưa hòa nhập được với môi trường mới.

-Chào tạm biệt:  Không nên đưa bé đến trường rồi lén bỏ đi khi bé không để ý. Bạn nên cho bé biết khi nào bạn sẽ quay lại đón bé, ví dụ như 15:00 khi chuông reo và bạn sẽ đón bé ở phòng ăn trưa.

Giúp bé kết bạn

Không nên cho bé gặp quá nhiều bạn ngay cuộc gặp mặt đầu tiên. Nếu con bạn có thể kết bạn với một bé khác, bé sẽ học được nhiều hơn về cách kiểm soát hoạt động giao tiếp xã hội và bạn bè sẽ giúp bé gia nhập một nhóm bạn lớn hơn khi đến thời điểm.

Đừng gắn mác nhút nhát cho con

Việc “gắn mác” cho bé hiếm khi mang lại lợi ích cho dù đó có là một danh hiệu tốt đi nữa, chẳng hạn như “thông minh” hoặc “tài năng”. Đứa trẻ nào cũng phải mất thời gian để cảm thấy thoải mái trong môi trường mới. Do đó, đừng bao giờ vội vàng gắn mác “nhút nhát” cho bé nhé.

Nếu bạn đã lỡ gắn mác nhút nhát cho con của mình, sao không thử thay đổi hình ảnh bản thân bé bằng cách cho bé nghe một cái gì đó tích cực hơn? Bạn có thể cho bé thấy bé đã trở nên thân thiện như thế nào hoặc nói về những nỗ lực mà bé đã cố gắng để hòa nhập. Một điều quan trọng không kém là nên lưu ý họ hàng, bạn bè, và giáo viên không đưa ra những nhận xét chưa chính xác về bé.

Thước đo tốt nhất cho khả năng hòa đồng của bé là nhìn vào những người bạn của bé. Bé có người bạn nào không? Bé có nói chuyện với bạn không? Nếu bé luôn tỏ ra cô độc, nên nói chuyện với giáo viên về vấn đề đó. Có thể bạn không thấy những thời điểm bé vui đùa cùng các bạn nhưng giáo viên thì có. Tuy nhiên, nếu giáo viên cũng đồng ý rằng con bạn đang gặp vấn đề về khả năng giao tiếp xã hội so với những bé cùng độ tuổi, cần trao đổi với bác sĩ nhi khoa để có được sự đánh giá chuẩn xác về sự phát triển của bé.

MarryBaby

Xem thêm các bài viết từ chuyên mục: Góc mẹ và bé