Với trẻ em thì điện thoại thông minh (smartphone) là 1 trong những công cụ tuyệt vời giúp các em trau dồi kiến thức, tự học lĩnh vực mình yêu thích và rèn luyện khả năng tư duy, theo tạp chí tâm lý Psychology Today.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu ở Mỹ cho thấy mối liên kết giữa việc tiếp xúc quá nhiều với smartphone và tình trạng chậm phát triển nhận thức ở trẻ.
Ảnh hưởng đến những khả năng nhận thức
Hiện nay, không ít bố mẹ cho con thường xuyên dùng smartphone và máy tính bảng dù bé chỉ mới một vài tuổi. Việc tiếp xúc các thiết bị này quá nhiều khi còn nhỏ có thể gây ra những tổn hại nhiều lên não đang phát triển của trẻ, nhất là giai đoạn từ lúc sinh ra đến khi 3 tuổi, tiến sĩ Aric Sigman, thành viên của Hiệp hội Tâm lý Anh và Hiệp hội Y khoa Hoàng gia Anh, nói với Psychology Today.
Thậm chí, việc để trẻ tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị công nghệ sẽ phá hủy cả những lợi ích, kỹ năng mà bố mẹ kỳ vọng internet và smartphone, máy tính bảng có thể mang lại. “Khả năng tập trung, chú ý, nhận biết thái độ của người khác và giao tiếp với họ, vốn từ vựng ngôn ngữ, tất cả sẽ đều bị tổn hại”, tiến sĩ Sigman khẳng định.
Hơn nữa, cơ thể trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển nên rất cần vận động để có thể phát triển khỏe mạnh. Việc suốt ngày ngồi dán mắt vào điện thoại, máy tính bảng sẽ khiến các bé lười nhác vận động. Do đó, cơ bắp của các bé sẽ trở nên yếu hơn so với những đứa trẻ phát triển khỏe mạnh khác, ông Sigman nói thêm.
Bao nhiêu tuổi mới dùng smartphone?
Hiện câu hỏi này vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng nên cho trẻ bắt đầu dùng và sở hữu một chiếc smartphone từ năm 12 tuổi, số khác thì cho rằng từ năm 14 tuổi.
Họ tin rằng ở độ tuổi này trẻ có thể xử lý được nếu chẳng may bị rơi vào tình trạng nghiện smartphone ảnh hưởng đến học tập, bị xúc phạm trên internet hay nhận được những tin nhắn, hình ảnh có nội dung người lớn, theo New York Times.
Một trong những điều quan trọng nhất vẫn là cách dạy dỗ của bố mẹ. Vợ chồng tỉ phú Bill Gates có nguyên tắc là không cho con dùng smartphone trước tuổi 14. Chiếc điện thoại, máy tính bảng cũng không được xuất hiện trong bữa ăn gia đình.
Thậm chí, một số bố mẹ còn đi xa hơn. Ông Tim Farnum, một bác sĩ gây mê sống tại thành phố Denver, bang Colorado (Mỹ), đã chứng kiến tình trạng 2 cậu con trai 11 và 13 tuổi suốt ngày cắm mặt vào smartphone. Thậm chí, một trong hai bé đã nghiện smartphone, theo NBC News. Vào tháng 2.2017, ông đã cùng một số bác sĩ thành lập tổ chức phi lợi nhuận PAUS. Nhiệm vụ của tổ chức này là đấu tranh chống lại tình trạng cho trẻ dùng các thiết bị công nghệ khi còn quá nhỏ.
PAUS vận động chính quyền bang Colorado thông qua lệnh cấm trẻ em dưới 13 tuổi sở hữu smartphone. Đồng thời, những công ty muốn bán điện thoại cho khách phải có xác minh độ tuổi. Nếu PAUS vận động thành công thì Colorado sẽ là bang đầu tiên ở Mỹ có quy định như vậy, theo Washington Post.