Sự phát triển của trẻ sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tôi chỉ đề cập đến vấn đề ăn uống của trẻ. Ai cũng thừa nhận rằng cha mẹ ở thành thị có nhiều kiến thức về nuôi dưỡng con cái hơn cha mẹ ở nông thôn, chất dinh dưỡng bổ sung cần thiết cho trẻ ở thành thị cũng tốt hơn ở nông thôn… Nhưng lại có một nghịch lý: trẻ thành thị biếng ăn hơn trẻ nông thôn. Vì sao?

Bụng lúc nào cũng no
Ở thành thị, điều kiện sống các gia đình thường tốt nên việc chăm sóc con cái cũng thuận lợi. Tuy nhiên, chính vì sung sướng quá, một số trẻ không còn cảm giác thèm thuồng. Trong nhà, thức gì cũng có sẵn, trẻ muốn ăn, uống là được đáp ứng ngay. Đến bữa cơm, cha mẹ lại muốn con ăn nhiều, đủ chất nhưng bản thân trẻ chẳng hề mong muốn, chỉ còn cách ép chúng ăn. Điệp khúc lặp lại nhiều lần khiến ăn uống trở thành một cực hình với trẻ. Khi trẻ quá đầy đủ, bụng dạ lúc nào cũng no thì không bao giờ có được cảm giác đói và ngon miệng.


Thực đơn cứng nhắc

Thực đơn thường được xây dựng trên nguyên tắc chung, áp dụng cho số đông. Một số cha mẹ thực hiện quá máy móc khi dựa vào những thực đơn này mà không hiểu con mình thích ăn gì, uống gì, thể chất, tâm trạng của con ra sao. Mỗi đứa trẻ là một trường hợp khác biệt. Việc ăn uống luôn gắn liền với chế độ sinh hoạt, tâm lý của trẻ, ứng xử trong gia đình, điều kiện sống… Có trẻ dù đã no nhưng khi mẹ xúc cơm vẫn thích ăn, trong khi trẻ khác thì đói mấy cũng vẫn quay đầu bên này, bên kia để tránh cái muỗng. Có bác sĩ khuyên: nếu trẻ không uống sữa bình thì đừng cho bú mẹ mà cứ bỏ đói, đói quá trẻ sẽ bú bình. Đó là lý thuyết. Còn thực tế, những bà mẹ từng tập cho con bú bình sẽ hiểu cảm giác con khóc ngằn ngặt vì khát sữa mẹ, nhưng vẫn kiên quyết không mút cái núm cao su. Vì vậy cho con ăn uống là một nghệ thuật, phải kết hợp sự tư vấn, giúp đỡ của chuyên gia, nhưng đồng thời cũng nên áp dụng thật khéo với con mình.


Cha mẹ bất hòa

Không khí tâm lý trong gia đình ảnh hưởng rõ rệt đến việc ăn uống của trẻ. Nếu gia đình vui vẻ thì trẻ thường háo hức, còn gia đình căng thẳng sẽ khiến trẻ không muốn ăn, thậm chí có cảm xúc sợ sệt, lo âu. Hơn nữa, khi gia đình bất hòa, chắc chắn việc cho con trẻ ăn uống cũng khó có được sự âu yếm, dỗ dành, thay vào đó là sự cục cằn, làm trẻ sợ hãi và biếng ăn.


Ăn vì điều kiện

Một số trẻ biếng ăn có thể do cha mẹ ít có thời gian quan tâm chăm sóc, nên bé biếng ăn để mong muốn được sự quan tâm nhiều hơn của cha mẹ. Một số trẻ khác lại xem việc ăn uống như một điều kiện để buộc cha mẹ đáp ứng. Chẳng hạn: ăn hết bát cơm này mẹ sẽ mua cho con chiếc ô tô có điều khiển… Nhiều lần như thế trẻ sẽ coi việc ăn uống như là một sự ràng buộc mà không còn thích thú.


“Ông hoàng con”

Điều này diễn ra phổ biến. Ở thành thị, cha mẹ có khi chăm chút thái quá việc ăn uống của con. Dường như trẻ dưới năm tuổi thì cha mẹ ít khi để con tự xúc cơm, tự uống sữa, mà lại “cung phụng” trẻ. Còn ở nông thôn, đứa trẻ ba tuổi có thể tự xúc cơm, tự uống sữa, khá hoàn thiện những động tác cầm đũa, cầm thìa. Ngoài ra, một số cha mẹ thành thị thích con tròn trịa nên cố ép con ăn nhiều. Báo hại, trẻ càng lúc càng lười ăn uống.

Đó là một vài nguyên nhân khiến trẻ thành thị biếng ăn. Ở nông thôn có nhiều lý do khiến trẻ ham thích ăn uống. Chẳng hạn, trẻ lâu ngày được ăn món mới nên háo hức. Trẻ được ăn ít bữa, không có điều kiện ăn vặt, trẻ lại chạy nhảy, vận động chân tay nhiều nên nhanh đói. Cha mẹ nông thôn ít khi bắt ép con phải ăn thế này thế kia, trẻ thích thì ăn không thì thôi. Không quan tâm thái quá đến trọng lượng, dinh dưỡng của con nên cha mẹ ở nông thôn cũng xem chuyện ăn uống là việc nhẹ nhàng…

Tóm lại, các bà mẹ hãy nuôi con không chỉ theo khoa học mà còn phải có nghệ thuật. Hãy lắng nghe để hiểu con mình và đừng áp đặt cảm giác chủ quan của người lớn cho những thiên thần bé bỏng.

Bài viết cùng chuyên mục: Những bất thường ở trẻ em 6-8 tuổi

Theo PN

Chuyên mục: Góc mẹ và bé